Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có Quyết định số 88/QĐ-BTTTT ngày 21/1/2025 ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, nhằm thúc đẩy môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng.
Bộ Quy tắc có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/1/2025, áp dụng cho 5 nhóm đối tượng gồm cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên; người dùng trên môi trường mạng; tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng; trẻ em.
Bộ Quy tắc được ban hành với mục đích xây dựng chuẩn mực ngôn ngữ, hành vi, ứng xử cho người sử dụng Internet (người dùng trên môi trường mạng) nhằm thúc đẩy môi trường mạng an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Nâng cao nhận thức của xã hội về các rủi ro mà trẻ em phải đối mặt khi hoạt động trên môi trường mạng (hoặc không gian mạng); nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, giáo viên và toàn xã hội trong việc chung tay bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đồng thời, thúc đẩy việc phản ánh, thông báo các nội dung độc hại và các hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng tới các cơ quan chức năng.
Ngoài các quy tắc ứng xử chung áp dụng cho tất cả các nhóm đối tượng, Bộ Quy tắc cũng đề ra những quy tắc ứng xử riêng cho từng nhóm (Quy tắc ứng xử cho trẻ em; Quy tắc ứng xử cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và giáo viên; Quy tắc ứng xử cho người dùng trên môi trường mạng; Quy tắc ứng xử cho các tổ chức, doanh nghiệp truyền thông và người sáng tạo nội dung trên môi trường mạng; Quy tắc ứng xử cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và doanh nghiệp cung cấp nền tảng). Theo đó, các nhóm đối tượng cần tuân thủ pháp luật Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em; luôn vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Khi nghi ngờ hoặc phát hiện các hành vi xâm hại trẻ em, rủi ro đối với trẻ em trên môi trường mạng, nội dung độc hại đối với trẻ em cần khẩn trương, kịp thời phản ánh, tố giác tới các địa chỉ sau: Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (số 111); cơ quan công an nơi gần nhất; mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (VN-COP) theo địa chỉ vn-cop.vn/bao-cao-xam-pham hoặc email: bvte@vncert.vn).
HQH