Thông tư quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo
Ngày 01/7/2024, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-TTCP quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo (gọi tắt là Thông tư 06/2024). Thông tư gồm có 04 chương, 21 điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024.
Về đối tượng áp dụng (Điều 2):
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành.
2. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo.
3. Lưu trữ cơ quan thực hiện lưu trữ hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo.
Yêu cầu của việc lập, quản lý hồ sơ (Điều 3)
1. Việc lập, quản lý hồ sơ phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và phù hợp với quy định của pháp luật về lưu trữ, thanh tra, khiếu nại, tố cáo.
2. Các văn bản, tài liệu trong hồ sơ phải đầy đủ, hoàn chỉnh, có giá trị pháp lý, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và phản ánh đúng trình tự, diễn biến của sự việc, trình tự thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.
3. Văn bản, tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao theo quy định của pháp luật.
4. Việc lập, quản lý, khai thác hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo có chứa nội dung bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Trong trường hợp các tài liệu cần lưu trữ trong hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo không có bản giấy theo quy định mà chỉ có bản điện tử thì người ra quyết định thanh tra, người giải quyết khiếu nại, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc thu thập, quản lý tài liệu, hồ sơ điện tử theo quy định của Luật Lưu trữ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Trách nhiệm, trình tự lập hồ sơ và các hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo được quy định chi tiết trong Chương II; việc nộp lưu, bảo quản, quản lý, khai thác, sử dụng hồ sơ theo quy định tại Chương III của Thông tư này.
Thông tư cũng quy định rõ việc xử lý hành vi vi phạm tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có một trong các hành vi sau:
1. Chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất hồ sơ, tài liệu.
2. Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung hồ sơ, tài liệu.
3. Mua bán, chuyển giao, hủy trái phép hồ sơ, tài liệu.
4. Sử dụng hồ sơ, tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
5. Mang hồ sơ, tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.
Thanh tra