Tập huấn kỹ năng quản lý cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên tiểu học
Sáng ngày 07/9/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tập đoàn giáo dục Quốc tế Việt tổ chức lớp tập huấn kỹ năng quản lý cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên tiểu học cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Bà Trương Thanh Nhuận, Giám đốc Sở GDĐT và Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GDĐT dự.
Tại buổi tập huấn, cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên tiểu học được PGS TS Nguyễn Thị Hằng Phương, chuyên gia tâm lý giáo dục, cố vấn cấp cao Công ty Kỹ năng sống Quốc tế Việt thuộc Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Việt chia sẻ chuyên đề về kỹ năng quản lý cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên.
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở nhấn mạnh, hiện nay toàn ngành đang tập trung thực hiện Phong trào thi đua Xây dựng trường học hạnh phúc hướng đến mục tiêu kiến tạo môi trường giáo dục văn hóa an toàn, thân thiện, chất lượng và hiệu quả; mang lại hạnh phúc cho Thầy Cô, học sinh và các bậc phụ huynh. Để có được nhiều niềm vui và hạnh phúc trong nghề, yếu tố nội tại đầu tiên rất quan trọng là giáo viên phải có kỹ năng thích ứng và làm chủ cảm xúc cá nhân. Trong hoạt động nghề nghiệp, giáo viên có thể trải nghiệm nhiều loại cảm xúc khác nhau, cả tích cực và tiêu cực. Khi các tình huống sư phạm không mong muốn phát sinh, một số giáo viên đôi khi chưa kiểm soát tốt cảm xúc, nhất là cảm xúc tiêu cực dễ dẫn đến có những biểu hiện thái độ, lời nói, hành vi chưa phù hợp làm tổn thương về thể chất và tâm hồn của các em học sinh, đi ngược lại tính nhân văn trong giáo dục. Bên cạnh đó, hiện nay, tiểu học đang triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 từ lớp 1 đến lớp 5 và đẩy mạnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị. Những yêu cầu trong tiến trình đổi mới, sự phát triển của công nghệ số, niềm tin và sự kỳ vọng của xã hội, của phụ huynh, của các thế hệ học sinh mang đến nhiều động lực và không ít áp lực cho quý Thầy Cô. Nếu những áp lực không được giải tỏa, việc thực hiện nhiệm vụ của quý Thầy Cô chắc chắn không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Xuất phát từ thực tế trên, nhu cầu được bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kỹ năng quản lý cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp là nhu cầu tất yếu hướng đến mục tiêu giúp giáo viên thích ứng được áp lực, làm chủ áp lực, giảm bớt căng thẳng, xây dựng các mối quan hệ tích cực, phát triển sự đồng cảm và mang lại trải nghiệm học tập vui tươi, chất lượng cho các em học sinh.
Bà lưu ý Thầy Cô tham dự đầy đủ, nghiêm túc; tích cực tương tác, kết nối tốt với báo cáo viên. Sau tập huấn, quý Thầy Cô tiếp tục nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các kiến thức, kỹ năng được tiếp thu để tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ở đơn vị, ngày càng phát triển năng lực nghề nghiệp và hạnh phúc trong nghề./.
GDTH